Qua phà Bình Khánh, thẳng theo đường Rừng Xác tôi xuôi về thăm mẹ ở Lý Nhơn. Cách không xa trung tâm thành phố nhưng con đường này như dẫn con người sang một thế giới khác. Với tốc độ 60 km/h, cái không khí oi bức, tù túng của thành phố nhanh chóng trôi về phía sau xe tôi, nhường chỗ cho bầu không khí trong xanh, tươi rực và mát mẻ chào đón tôi về với mẹ. Tâm hồn tôi lâng lâng xao xuyến, hạnh phúc như đang yêu.
Trở về rừng lúc này tôi thấy có một cái gì đó trùng hợp trong những năm tháng cuộc đời tôi. Tôi đã từng ở rừng cả một khoảng thời gian khá dài khi tôi còn nhỏ và bây giờ tôi lại trở lại rừng. Những ký ức ngày thơ quay lại rõ ràng như trời sau mưa, rõ ràng và tinh khiết. Tôi nhớ rõ mùi hương tràm, hương mắm, nhớ rõ từng cái chang đước và cảm giác thô xì của thân cây khi tôi chạm vào, nhớ rõ mùi bùn lẫn mùi nước mặn, nhớ rõ nơi sống của từng con ốc, con nha...Lòng tôi như khóc nấc, cảm giác tuổi thơ quay lại nước nước sông đang lớn mạnh. Tự dưng tôi chắc mẩm một điều, tôi thuộc về rừng, tôi là con người của thiên nhiên và việc tôi quay trở lại rừng là điều hoàn toàn bình thường như chân lý vậy. Tất cả các hoàn cảnh đưa tôi đến đây cũng chính là định mệnh vậy.
Xuyên qua con đường được ôm bởi rừng, tôi tới nhà mẹ. Nhà mẹ nghèo lắm, máy lá đơn sơ, trống tước hở sau nằm khiêm tốn dưới một khoảng rừng non còn thưa thớt và cũng đã bị cắt tỉa nhiều để tiện cho việc làm muối. Dù vậy nụ cười của mẹ vẫn nồng ấm và chan chứa tình yêu. Mẹ đón tôi không khác gì người làng đón trạng ngày xưa. Mắt mẹ ánh lên nét hạnh phúc rạng ngời và chân thật đến nỗi làm tôi muốn khóc. Tôi vốc nước rửa sạch bụi đường, ngẩng đầu đón cơn gió biển mát lành mơn mang những hạt nước còn sót lại trên mặt và tóc. Mẹ trao cho tôi cái khăn thơm mùi bông mắn trộn lẫn mùi nước biển mặn mặn, tôi áp lên mặt mà trong lòng dâng tràng nỗi niềm thân thiết sâu xa.
|
Một góc rừng Cần Giờ |
Nhà nhỏ và thấp nhưng rất mát nhờ gió từ biển và rừng thổi qua lồng lộng. Lá và hoa mắm rơi nhẹ trên máy nhà như vuốt ve. Muỗi nhiều hơn lá trong rừng, để yên tay một phút rồi vuốt một cái thì máu của muỗi chết chảy ra không còn thấy da tay. Mẹ phải um một đống lửa to để xua bớt muỗi, tôi cười khì khì, cái kí ức ở rừng nhiều muỗi không có trong đầu tôi.
Thằng em trai tôi hí hửng đem khoe với tôi mấy con gà, con cá làm bằng trái dừa khô của nó. Tôi cười muốn rụng rốn và cực thích thú vì cái ý tưởng quai quái của nó. Đôi lúc, tôi đã quên đi những thứ tự tạo đơn giản như thế này, đồ dùng có sẵn quá tiện lợi đã dần làm thoái hóa những ý tưởng trong cái đầu thiếu kiên nhẫn của tôi.
|
Cá và gà tự chế từ trái dừa khô |
"Chị ăn cháo rắn không?"- Thằng em bất ngờ hỏi tôi như vậy khi tôi đang lúi húi nướng con dộp to cả bàn tay ba mới đưa cho. Chậc, tôi suýt thì quên mất những món đặt sản của rừng mà mấy hôm trước khi tôi về thằng em đã gọi điện lên mào đầu trước: "Mốt chị về em cho ăn món này ngon lắm!". Tôi gật đầu cái rụp, máu giang hồ cũng chảy lên tới "óc to gan" rồi. Thằng em nghe lời, hí hửng chạy ra đầm nước cạnh nhà xách lên mớ rắn nước mà nó đã buột đầu treo sẵn từ mấy hôm trước. Tụi rắn mập lút, trơn mướt bị đem làm thịt và băm nhuyễn. "Ngon lắm nha chị, ăn thơm hơn thịt gà!"- vừa bằm mớ rắn, thằng em vừa nói vọng sang tôi. Mẹ tôi cười khì kể cho tôi nghe chuyện nhà hàng xóm nấu cháo rắn không bằm mà chặt khúc, tới lúc thả vào nồi nó cứ trắng ởn ra chả ai dám ăn. Tôi, ba và thằng em cười vang cả nhà. Một không khí đoàn tụ đầm ấm bừng lên.
|
Bằm rắn nấu cháo |
Bên cạnh món cháo rắn, về vùng đầm rừng Cần Giờ mà không thưởng thức tôm cua thì đúng là thiếu sót lớn. Biết tôi rất thích tôm, mẹ để dành cho tôi một túi toàn tôm to, tôi sướng như bắt được vàng vội quây lửa luộc mấy con chờ cháo chín.
|
Tôm sú vùng đầm Cần Giờ |
Tôi liến thoắng hỏi thằng em về những con ốc ngựa mà tôi rất thích và hay cùng nó đi bắt những ngày xưa. Không có, tôi buồn một tí vì loại ốc này ngon lắm mà lại còn đẹp nhờ những dường vân như vân ngựa vằn. Tôi chợt hiểu vì sao ngày xưa mỗi lần đi rừng về ba mẹ lại hay đem ốc ngựa về biếu ông, cũng như tôi nhớ thương những con ốc ngựa, ông tôi đã có cả một đời sống gắn bó vời rừng. Lòng tôi dâng trào cảm giác thương ông da diết khi lúc đó tôi đã quá vô tình đã tranh ăn với ông. Ông không phải ăn ốc ngựa mà ông đang tìm lại những ngày tháng tươi đẹp xa xưa.
|
Ốc ngựa (ảnh Internet) |
Thằng em thấy tôi cứ than tiếc nó dẫn tôi qua khu nuôi ốc quắn thí điểm của xã cho tôi coi và hứa sẽ xin một mớ cho tôi nếu tôi muốn. Đi xem thì đi nhưng tôi không xin con nào, không phải vì tôi không thích ăn mà do tôi không nỡ lòng ăn khi tôi cảm thấy hạnh phúc vì mô hình đó. Tôi cảm giác cũng có rất nhiều người yêu rừng như tôi và họ đã làm nên những mô hình "sống cùng rừng" dù số phận của những con ốc quắn đó sau này vào tay ai - rừng hay con người - thì chúng đã từng được nuôi nấng tự nhiên chứ không phải bị "truy lùng giết cạn".
|
Khu nuôi ốc quắn |
Sống với rừng không bao giờ đói, rừng hào sảng và luôn cho nhiều hơn nhận. Rừng cho ta cá tôm, cho ta rau, củi và rất nhiều thứ có giá trị lớn về mặt tinh thần. Còn rừng là còn giàu. "Vậy mà người ta lại đi đốn rừng cấm" - tôi bất mãn kêu lên khi nghe ba mẹ kể vầ những khoảnh rừng trống do con người khai thác trái phép. Mẹ tôi cười nói " thì nhờ đốn rừng mới giàu đó!". Tôi bất ngờ và phì cười vì câu nói đùa của mẹ mà lòng nghe xót xa. Ba tôi an ủi "coi vậy chứ kiểm lâm kiểm soát kĩ lắm, dễ gì đốn được!".
|
Cá đầm Cần Giờ |
Dân cư vùng rừng thưa thớt lắm nên ai cũng nhiều đất nhiều ruộng. Mùa mưa nuôi đầm, mùa nắng làm muối. Con người cần cù nên ai cũng của nả kha khá hết. Mẹ tôi luôn miệng bảo: "Bà con ở đây tốt lắm con à, tôm cá cứ hay đem cho nhà mình, ăn không khi nào hết, còn cho gạo và nước gọt nữa nhờ vậy cũng ấm lòng cái cảnh xa quê!". Tôi bùi ngùi thương mẹ, đất này trù phú quá, chả bù với xứ quê "chó ăn đá, gà ăn muối" của tôi, nhưng dù sao quê hương vẫn là quê hương và " khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" nên mẹ tôi luôn nhớ về cái chốn chôn nhau cắt rốn ấy với một nổi buồn thương đau đáu, như kẻ tha phương mong tìm lại được nửa linh hồn đã mất cho dù xứ người có tốt tới đâu.
Tần ngần tôi bước ra hiên nhà nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, vùng này nhiều đầm trũng với những gò cao ở giữa nhấp nhô như công trường của một thợ xây khổng lồ và hậu đậu. Xa xa ngoài kia là khu rừng phòng hộ xanh ngắt và dầy rậm nhìn tựa như những dãy đồi màu xanh được vẽ khéo léo trên nền trời trong veo. Một tiếng chim kêu cất lên làm tôi sực tỉnh - đôi chim bìm bịp kêu khẽ đòi ăn. Tôi nhìn đôi chim thấy thương thương. Chúng có đôi cánh mà bị nhốt trong lồng, tôi ước gì cũng có đôi cánh để bay lên trời rộng. Trong cảnh mênh mông đất trời như thế này lòng tôi chợt chán ngán cảnh bon chen nơi thành phố mà muốn hóa thân thành một phần của tự nhiên. Suy cho cùng thì đoạn kết của con người cũng phải vậy thôi.
|
Đôi chin bìm bịp |
Buổi chiều trong vắt, ba tôi bắt ghế ra ngồi uống trà hút thuốc trước hiên nhà. Đôi mắt ba nhìn vào khoảng không xa xôi đâu đó của miền kí ức. Ba nói với tôi một vài điều về những dự định tương lai của cả gia đình, về mong muốn một ngày nào đó thoát khỏi cảnh li hương cầu thực. Ba tôi vốn luôn ít nói nhưng không biết tại sao hôm nay tôi lại hiểu những câu ngắn gọn của ba rất rõ ràng. Tôi cảm thấy như đã già đi 20 tuổi khi thấy rõ rằng mình thấu hiểu nỗi lòng của ba mẹ tôi.
Nếu bạn lần đầu tiên đến với rừng, bạn có thể cảm thấy tâm hồn thư thái, bình yên sâu lắng nhưng riêng với tôi, rừng như cái gì đó làm nên da thịt, như một phần da thịt tạo nên tôi trong cuộc đời.
Thảo Huỳnh
Cần Giờ 14/02/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét